Sâu răng là một bệnh lý răng miệng phổ biến nhất. Có đến 85% trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 8 bị sâu răng sữa và 80% người trưởng thành sâu răng vĩnh viễn. Không chỉ gây mất thẩm mỹ mà sâu răng dẫn đến nhiều tác hại nếu không được điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu chi tiết từ A đến Z về sâu răng trong bài viết này của Nha Khoa Bảo Mai nhé.
Tổng quan về sâu răng
Sâu răng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất răng sớm nếu không được điều trị kịp thời. Đây là tình trạng mô cứng của răng bị tổn thương do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn trong khoang miệng. Khi các mảng bám và vi khuẩn tích tụ trên bề mặt răng, chúng sẽ chuyển hóa đường và tinh bột thành acid, làm mòn men răng và gây ra các lỗ sâu li ti trên bề mặt. Nếu không được điều trị kịp thời, sâu răng có thể lan vào ngà răng, tủy răng và gây ra những cơn đau nhức khó chịu.
Nguyên nhân dẫn đến sâu răng
Nguyên nhân chính gây ra sâu răng là do các axit sinh ra bởi vi khuẩn trong mảng bám răng. Mảng bám trên răng bắt đầu hình thành từ một lớp màng mỏng chứa vi khuẩn, chất nhầy, tế bào biểu mô đã chết và những mảnh vụn thức ăn bám trên bề mặt răng sau khoảng 24 giờ kể từ khi được làm sạch. Sau khoảng 72 giờ, mảng bám dần bị khoáng hóa bởi các chất như canxi và phosphate, tạo thành cao răng cứng chắc, khó loại bỏ chỉ bằng việc chải răng thông thường. Cao răng tích tụ lâu ngày, vi khuẩn trú ngụ dẫn tới sâu răng.
Các yếu tố nguy cơ gây sâu răng
Các yếu tố nguy cơ cao dẫn tới sâu răng là chế độ ăn uống không khoa học, thói quen vệ sinh răng miệng kém và yếu tố di truyền.
- Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Việc không đánh răng thường xuyên hoặc không sử dụng chỉ nha khoa khiến mảng bám tích tụ, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa đường và tinh bột: Các loại kẹo ngọt, bánh, nước ngọt có gas chứa nhiều carbohydrate dễ chuyển hóa thành acid, làm mòn men răng.
- Thiếu fluor: Fluor là chất giúp men răng cứng cáp hơn, thiếu fluor khiến men răng dễ bị acid tấn công.
- Khô miệng: Nước bọt giúp rửa trôi thức ăn và trung hòa acid. Khi miệng khô, nguy cơ sâu răng tăng cao do thiếu sự bảo vệ tự nhiên.
- Cấu trúc men răng yếu: Một số người có cấu trúc men răng yếu bẩm sinh, dễ bị vi khuẩn tấn công và gây sâu răng.
5 giai đoạn sâu răng
Dưới đây là 5 giai đoạn phát triển của sâu răng mà bạn cần nắm rõ:
Giai đoạn 1: Giai đoạn hủy khoáng
Sâu răng Trong giai đoạn đầu của sâu răng, lớp ngoài cùng của răng – men răng bắt đầu yếu đi do sự xuất hiện của mảng bám. Răng sẽ xuất hiện các đốm trắng đục, không gây đau nhức.
Giai đoạn 2: Sâu men răng
Khi mất khoáng không được điều trị, một lỗ nhỏ sẽ hình thành trên men răng. Giai đoạn này, răng bắt đầu nhạy cảm hơn khi ăn uống đồ nóng, lạnh. Ngoài ra, trên răng cũng sẽ xuất hiện đốm trắng hoặc nâu.
Giai đoạn 3: Sâu vào ngà răng
Vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào lớp ngà răng bên dưới men răng, gây đau nhức và ê buốt. Sâu răng tiến triển rất nhanh sau thời điểm này, nếu không điều trị thì vi khuẩn sẽ nhanh chóng tấn công vào tủy răng.
Giai đoạn 4: Sâu vào tủy răng
Tủy răng là phần nằm dưới ngà răng. Đây là phần dưới cùng của răng và chứa các mạch máu và dây thần kinh giúp duy trì và cung cấp cảm giác cho răng. Khi vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng, người bệnh sẽ cảm thấy cơn đau nhói dữ dội, đặc biệt là khi ăn uống. Lúc này, điều trị tủy răng là cần thiết để bảo tồn răng thật.
Giai đoạn 5: Áp xe và mất răng
Trong giai đoạn cuối của sâu răng, vi khuẩn đã ăn sâu vào tủy đã bị hư hỏng và thường dẫn tới nhiễm trùng. Ở giai đoạn này, rất khó có thể để điều trị tủy thành công vì răng bị hư tổn nghiêm trọng. Thay vào đó là phải nhổ bỏ và phục hình răng giả.
Triệu chứng của sâu răng
Triệu chứng sâu răng phụ thuộc vào từng giai đoạn sâu răng. Rất khó để nhận biết nếu sâu răng mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên. Có một vài trường hợp bạn sẽ không cảm thấy có triệu chứng, thậm chí nhìn trên bề mặt răng vẫn bình thường, không có đốm hay lỗ sâu. Vì vậy việc khám nha khoa định kỳ là rất quan trọng để xác định bạn có sâu răng hay không. Một vài triệu chứng thường thấy ở sâu răng:
- Đốm trắng hoặc nâu trên bề mặt răng: Dấu hiệu ban đầu của sâu răng.
- Đau nhức và ê buốt: Thường xảy ra khi ăn đồ ngọt, đồ nóng hoặc lạnh.
- Lỗ sâu trên răng: Xuất hiện các lỗ nhỏ, dễ nhận thấy bằng mắt thường.
- Hơi thở có mùi hôi: Do vi khuẩn tích tụ trong các lỗ sâu răng.
Tác hại của sâu răng
Sâu răng không chỉ gây đau nhức mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời:
- Đau nhức dữ dội, giảm thẩm mỹ, ảnh hưởng lớn tâm lý và làm suy giảm chất lượng cuộc sống
- Viêm nhiễm và áp xe răng, có thể gây sưng đau, sốt và nguy cơ nhiễm trùng lan sang các khu vực khác.
- Vỡ thân răng, mẻ thân răng khiến giảm khả năng ăn nhai của răng.
- Mất răng vĩnh viễn.
- Tình trạng đau nhức kéo dài do sâu răng khiến người bệnh ăn uống không ngon miệng, dẫn đến suy nhược cơ thể. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, sâu răng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và cân nặng.
Cách điều trị
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương răng nhẹ hay nặng, sâu ở giai đoạn nào, cơ địa của người bệnh mà sẽ có phương pháp điều trị sâu răng khác nhau. Dưới đây là một số cách điều trị có thể được chỉ định:
Tái khoáng men răng
Áp dụng cho sâu răng giai đoạn sớm, khi chỉ xuất hiện các đốm trắng trên men răng. Bác sĩ sẽ sử dụng gel chứa fluor hoặc các chất khoáng để phục hồi men răng.
Trám răng
Trám răng là kỹ thuật sử dụng vật liệu chuyên dụng trong nha khoa như Composite, GIC, Amalgam… giúp làm đầy lỗ sâu và ngăn ngừa sự lan rộng. Trám răng thường được chỉ định khi sâu răng ở giai đoạn 2 – sâu men răng.
Điều trị tủy và phục hình
Khi sâu răng đã vào đến tủy, cần điều trị tủy. Bác sĩ sẽ mở buồng tủy, loại bỏ tủy bị viêm nhiễm sau đó phục hình bằng răng sứ ở bên trên để bảo vệ răng gốc.
Nhổ răng và phục hình
Nhổ răng là phương án cuối cùng khi sâu răng đã quá nặng, tủy bị hỏng, điều trị tủy đã không còn tác dụng, không thể bảo tồn răng gốc. Sau khi nhổ răng, bạn cần trồng răng Implant hoặc làm cầu răng để khôi phục chức năng nhai cũng như thẩm mỹ.
Biện pháp phòng ngừa sâu răng
Sâu răng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng chế độ ăn, vệ sinh răng miệng hàng ngày và khám nha khoa định kỳ. Để ngăn ngừa sâu răng, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
Đánh răng 2 lần/ngày
- Chải răng ít nhất 2 lần/ngày: Đánh răng sau bữa sáng và trước khi đi ngủ giúp loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa.
- Sử dụng kem đánh răng chứa fluoride: Fluoride là một khoáng chất quan trọng giúp tái khoáng men răng, bảo vệ bề mặt răng trước sự tấn công của axit do vi khuẩn tạo ra.
- Chọn bàn chải phù hợp: Sử dụng bàn chải có lông mềm để tránh gây tổn thương nướu và men răng. Thay bàn chải sau mỗi 3 tháng hoặc khi lông bàn chải bị mòn.
Sử dụng nước súc miệng và chỉ nha khoa
- Sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày: Chỉ nha khoa giúp loại bỏ mảng bám và thức ăn mắc kẹt giữa các kẽ răng mà bàn chải không chạm tới được.
- Sử dụng nước súc miệng: Chọn loại nước súc miệng chứa fluoride để tăng khả năng bảo vệ răng. Nước súc miệng cũng giúp tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng, mang lại hơi thở thơm mát.
Xây dựng chế độ ăn khoa học
- Hạn chế ăn uống thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột: Các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga, và đồ ăn nhanh chứa nhiều carbohydrate dễ chuyển hóa thành axit trong miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây sâu răng.
- Tránh thức ăn dính và cứng: Những loại thức ăn này dễ mắc vào kẽ răng và khó làm sạch, từ đó tăng nguy cơ hình thành mảng bám và sâu răng.
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi: Các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai, sữa chua giúp cung cấp canxi và protein cần thiết cho việc tái tạo và củng cố men răng.
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi: Rau xanh và trái cây giàu chất xơ giúp kích thích tiết nước bọt, cân bằng axit trong miệng và bảo vệ men răng.
Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh
- Loại bỏ thói quen xấu gây hại cho răng: Nghiến răng, mút tay, sử dụng tăm tre để xỉa răng, nhai đá, không lấy cao răng định kỳ…
- Hạn chế uống rượu và thuốc lá: Rượu và thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ sâu răng mà còn là nguyên nhân chính gây ra các bệnh răng miệng nghiêm trọng khác như viêm nướu, ung thư miệng.
Khám răng định kỳ 6 tháng/lần
- Kiểm tra và làm sạch răng mỗi 6 tháng: Khám răng định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề răng miệng và thực hiện điều trị kịp thời.
- Lấy cao răng định kỳ: Lấy cao răng giúp loại bỏ mảng bám và vôi răng cứng đầu mà việc chải răng không làm sạch được.
Sâu răng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, hãy chăm sóc răng miệng đúng cách và đến nha khoa kiểm tra định kỳ để bảo vệ hàm răng chắc khỏe. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng sâu răng, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 083 585 1212 – 083 985 1212 hoặc inbox fanpage Nha Khoa Bảo Mai để được tư vấn và điều trị hiệu quả.
*Mọi thông tin trên bài viết chỉ mang tính chất tham khảo
Tư vấn chuyên môn bài viết
Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Thanh Mai
Phòng khám Nha Khoa Bảo Mai