Khớp cắn hở là một dạng sai lệch khớp cắn nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều vấn đề về chức năng ăn nhai và phát âm. Vậy khớp cắn hở là gì? Nguyên nhân do đâu và làm sao để khắc phục? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin đầy đủ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Khớp cắn hở là gì?
Khớp cắn hở là một dạng sai lệch khớp cắn trong đó hai hàm không thể khép kín khi miệng đã đóng hoàn toàn. Tình trạng này để lại khoảng trống giữa các răng hàm trên và răng hàm dưới khi cắn lại. Thậm chí bạn có thể nhìn thấy lưỡi ngay cả khi miệng đã khép lại trong trạng thái nghỉ bình thường. Theo các bác sĩ chuyên gia, có 2 dạng khớp cắn hở phổ biến, đó là:
- Cắn hở phía trước: Nhóm răng cửa hàm trên không thể chạm vào nhóm răng cửa hàm dưới, khiến cho khoảng hở xuất hiện ở răng cửa.
- Cắn hở phía sau: Các răng hàm không thể chạm vào nhau, khiến cho khoảng hở xuất hiện ở răng hàm.
Dấu hiệu nhận biết
Một số dấu hiệu nhận biết của khớp cắn hở bao gồm:
- Khoảng hở rõ rệt giữa răng trên và răng dưới, dù miệng đã đóng hoàn toàn.
- Cung răng cửa hàm trên thường có dạng chữ V.
- Gặp khó khăn khi nhai, cắn thức ăn.
- Phát âm không chuẩn, đôi khi kèm theo thói quen đẩy lưỡi, đặc biệt là ở trẻ em.
Nguyên nhân gây ra khớp cắn hở
Nắm được nguyên nhân sẽ giúp bạn tìm được cách khắc phục phù hợp. Theo các chuyên gia nha khoa, khớp cắn hở có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Di truyền: Khớp cắn hở có thể do di truyền bẩm sinh. Nếu như trong gia đình bạn có người gặp phải tình trạng sai lệch khớp cắn này thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc phải.
- Cấu trúc xương hàm bất thường: Xương hàm trên hoặc dưới phát triển quá mức, dẫn đến mất cân đối khớp cắn.
- Khiếm khuyết trong cấu trúc xương hàm: Răng mọc sai hướng, mọc chéo
- Thói quen xấu từ nhỏ: Một số thói quen xấu từ nhỏ như ngậm ti giả, bú bình quá lâu, cắn móng tay, ngậm bút… có thể là tác nhân gây ra lệch khớp cắn.
Tác hại của khớp cắn hở
Khớp cắn hở không chỉ ảnh hưởng đến diện mạo mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho sức khỏe răng miệng, chức năng nhai và giao tiếp hàng ngày. Dưới đây là những tác hại chính mà bạn cần biết để hiểu rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của vấn đề này:
Ảnh hưởng tới chức năng nhai nghiền thức ăn
Do hai hàm không khép kín, việc nghiền nát thức ăn trở nên khó khăn, gây áp lực lên răng hàm và xương hàm. Khi thức ăn không được nhai kỹ có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như đau dạ dày hoặc khó tiêu.
Rối loạn phát âm
Khoảng hở giữa các răng cản trở luồng khí thoát ra khi nói, dẫn đến khó phát âm các âm như “s”, “ch”, hoặc “z”. Không chỉ vậy, những sai lệch nhỏ trong lời nói có thể khiến bạn cảm thấy ngại ngùng, đặc biệt trong các tình huống quan trọng.
Ảnh hưởng tới diện mạo
Khớp cắn hở khiến hàm răng và khuôn mặt mất cân đối, ảnh hưởng đến tổng thể khuôn mặt. Nhiều người cảm thấy tự ti về hàm răng và diện mạo của mình, ngại giao tiếp và không dám cười nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội và sự nghiệp.
Tăng nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng
Lực nhai không được phân bổ đồng đều có thể khiến một số răng chịu áp lực lớn hơn, gây mòn răng và tổn thương mô nướu. Ngoài ra, khoảng hở giữa các răng là cơ hội cho thức ăn dễ mắc kẹt, khó vệ sinh, làm tăng nguy cơ sâu răng và các bệnh răng miệng thường gặp khác.
Căng thẳng cơ hàm
Khớp cắn sai lệch khiến cơ hàm phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến đau nhức và mỏi cơ. Điển hình là rối loạn khớp thái dương hàm, biểu hiện qua tiếng kêu lách cách khi mở miệng hoặc khó khăn khi nhai.
Khớp cắn hở có niềng được không?
Một câu hỏi thường gặp là liệu khớp cắn hở có thể niềng được không? Câu trả lời là CÓ. Niềng răng là một phương pháp phổ biến và hiệu quả trong việc điều trị sai lệch khớp cắn, trong đó có khớp cắn hở. Bằng cách sử dụng các khí cụ chỉnh nha, bác sĩ sẽ điều chỉnh vị trí răng và khớp cắn về trạng thái cân đối. Tuy nhiên, trước khi niềng răng thì cần có đánh giá và phác đồ điều trị phù hợp từ bác sĩ nha khoa.
Các phương pháp khắc phục khớp cắn hở
Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp mà sẽ có những phương pháp khắc phục khớp cắn hở phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến nhất:
Niềng răng
Niềng răng là một trong những phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để điều trị khớp cắn hở. Đây là phương pháp sử dụng mắc cài hoặc khay niềng trong suốt giúp lực kéo để dịch chuyển răng về vị trí chuẩn. Niềng răng giúp điều chỉnh đồng thời răng và khớp cắn, mang lại hiệu quả cao với trường hợp khớp cắn hở nhẹ đến trung bình.
- Niềng răng mắc cài: Sử dụng mắc cài kim loại hoặc sứ gắn lên răng, kết hợp với dây cung tạo lực kéo để dịch chuyển răng về vị trí chuẩn.
- Niềng răng trong suốt: Sử dụng khay niềng tháo lắp được thiết kế riêng, phù hợp với những người ưu tiên thẩm mỹ.
Phẫu thuật hàm
Phẫu thuật hàm là phương pháp cần thiết khi nguyên nhân gây khớp cắn hở là do xương hàm. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt và điều chỉnh xương hàm trên, xương hàm dưới hoặc cả hai để đưa khớp cắn về vị trí cân đối. Phẫu thuật hàm thường kết hợp với niềng răng trước hoặc sau phẫu thuật để đảm bảo hiệu quả tối ưu.
Sử dụng hàm tiền chỉnh nha
Hàm tiền chỉnh nha thường được áp dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên khi xương hàm vẫn đang phát triển. Loại khí cụ này giúp định hình sự phát triển của răng và xương hàm, đạt hiệu quả cao trong việc điều chỉnh sớm và ngăn ngừa sai lệch khớp cắn.
Bọc răng sứ hoặc dán sứ Veneer
Đối với trường hợp khớp cắn hở nhẹ và do răng bị mòn, dán sứ hoặc bọc răng sứ là lựa chọn phù hợp.
- Dán sứ Veneer: Lớp sứ siêu mỏng được dán lên bề mặt răng để điều chỉnh hình dáng và kích thước.
- Bọc răng sứ: Sử dụng mão sứ chụp toàn bộ răng, cải thiện cả chức năng và thẩm mỹ.
Khớp cắn hở là vấn đề nha khoa cần được điều trị kịp thời để tránh các tác động tiêu cực về sức khỏe và thẩm mỹ. Việc khắc phục tình trạng sai lệch khớp cắn này cần dựa trên đánh giá cụ thể từ bác sĩ nha khoa để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 083 585 1212 – 083 985 1212 hoặc fanpage Nha Khoa Bảo Mai để được tư vấn miễn phí và đặt lịch hẹn thăm khám cùng bác sĩ chuyên gia.
*Mọi thông tin trên bài viết chỉ mang tính chất tham khảo
Tư vấn chuyên môn bài viết
Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Thanh Mai
Phòng khám Nha Khoa Bảo Mai