Dính thắng lưỡi là tình trạng thường gặp ở trẻ em nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở người lớn. Tình trạng này có thể cản trở khả năng giao tiếp và nhiều vấn đề sức khỏe răng miệng nghiêm trọng khác nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về tật dính thắng lưỡi trong bài viết này của Nha Khoa Bảo Mai nhé.
Dính thắng lưỡi là như thế nào?
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhẹ, là hiện tượng phần màng niêm mạc dưới lưỡi bị ngắn hơn so với bình thường. Dị tật này làm hạn chế chuyển động của lưỡi, có thể gây khó khăn cho việc ăn uống, nói chuyện, thậm chí ảnh hưởng đến việc phát triển răng và hàm ở trẻ em. Dính thắng lưỡi có thể xảy ra ở người lớn nhưng hiếm hơn so với trẻ nhỏ. Mức độ dính thắng lưỡi có thể khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng và mỗi trường hợp cần được đánh giá kỹ lưỡng để có phương pháp can thiệp phù hợp.
Nguyên nhân dẫn tới dính thắng lưỡi
Đây là một dị tật bẩm sinh mà bất kỳ trẻ sơ sinh nào cũng có thể gặp phải, thậm chí một vài trường hợp xảy ra ở người lớn. Theo các chuyên gia, chưa có nghiên cứu chính xác về nguyên nhân dẫn tới dị tật này. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ dẫn tới dính thắng lưỡi gồm:
- Di truyền: Trong nhiều trường hợp, dính thắng lưỡi là do yếu tố di truyền. Nếu một trong hai cha mẹ mắc phải tình trạng này, khả năng con cái cũng gặp phải sẽ cao hơn.
- Phát triển bất thường trong giai đoạn bào thai: Quá trình hình thành các cơ quan của trẻ trong bụng mẹ đôi khi gặp trục trặc, dẫn đến sự phát triển không hoàn thiện của thắng lưỡi.
Các yếu tố môi trường: Một số yếu tố bên ngoài như chế độ dinh dưỡng, lối sống của người mẹ trong thời kỳ mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thắng lưỡi.
Dấu hiệu dính thắng lưỡi
Việc nhận biết sớm các triệu chứng của dính thắng lưỡi giúp người bệnh hoặc phụ huynh nhanh chóng can thiệp kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Ở trẻ nhỏ
Dính thắng lưỡi thường xuất hiện ngay từ khi sơ sinh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ. Các dấu hiệu nhận biết dính thắng lưỡi ở trẻ nhỏ:
- Khó bú mẹ: Trẻ mắc dính thắng lưỡi thường khó bú mẹ do lưỡi không thể di chuyển tự do, khiến việc mút sữa trở nên khó khăn.
- Phát âm không rõ: Một số âm thanh như “l”, “t”, “d” đòi hỏi sự linh hoạt của lưỡi. Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc phát âm những âm này, có thể là do dính thắng lưỡi.
- Chậm nói: Một số trẻ bị dính thắng lưỡi có xu hướng chậm nói hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
- Hình dáng khác thường: Đầu lưỡi của trẻ có hình trái tim hoặc hình nhọn khi lè lưỡi.
Ở người lớn
Dù phần lớn các trường hợp dính thắng lưỡi được phát hiện và điều trị từ sớm, nhưng vẫn có những người trưởng thành mới nhận ra mình mắc phải tình trạng này. Biểu hiện dính thắng lưỡi ở người lớn:
- Khó khăn trong giao tiếp: Dính thắng lưỡi làm hạn chế khả năng di chuyển của lưỡi, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc phát âm một số âm hoặc nói nhanh.
- Khó nhai nuốt: Lưỡi không thể di chuyển tự do khiến việc nhai thức ăn và nuốt trở nên khó khăn hơn.
- Vấn đề về răng miệng: Dính thắng lưỡi có thể ảnh hưởng đến cách răng mọc và phát triển, gây ra các vấn đề như lệch răng, sâu răng hoặc viêm lợi.
Các mức độ dính thắng lưỡi
Dựa trên chiều dài của thắng lưỡi, tính từ vị trí bám ở sàn miệng đến điểm nối với lưỡi, các mức độ dính thắng lưỡi được chia như sau:
- Mức độ 1: Dính thắng lưỡi nhẹ với khoảng cách từ 12 – 16 mm.
- Mức độ 2: Dính thắng lưỡi trung bình với chiều dài từ 8 – 11 mm.
- Mức độ 3: Dính thắng lưỡi nặng với khoảng cách từ 3 – 7 mm.
- Mức độ 4: Dính thắng lưỡi hoàn toàn khi chiều dài dưới 3 mm.
Ảnh hưởng của dính thắng lưỡi tới sức khỏe
Nếu không được điều trị kịp thời, dính thắng lưỡi có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe răng miệng và giao tiếp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
- Đối với trẻ em: Trẻ bị dính thắng lưỡi thường gặp khó khăn trong việc học nói, điều này có thể ảnh hưởng đến việc phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ. Trẻ bú mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc mút sữa, ảnh hưởng tới sự phát triển.
- Đối với người lớn: Dính thắng lưỡi làm hạn chế sự phát triển tự nhiên của hàm, khiến răng mọc lệch, cắn không đều và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Ngoài ra, dị tật này cũng ít nhiều làm cho người lớn gặp khó khăn khi phát âm.
Phương pháp xử trí dính thắng lưỡi
Việc điều trị dính thắng lưỡi cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ nha khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến phòng khám nha khoa hoặc cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám trực tiếp và đưa ra phương án tốt nhất. Hai phương pháp có thể được chỉ định để xử trí dính thắng lưỡi gồm:
Cắt thắng lưỡi
Đây là phương pháp phổ biến nhất, đơn giản và hiệu quả nhất để điều trị dính thắng lưỡi triệt để. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt phần thắng lưỡi bị dính, giúp lưỡi có thể di chuyển tự do hơn. Dựa vào độ tuổi của trẻ, sự ảnh hưởng đến quá trình bú sữa mẹ, phát âm và mức độ dính thắng lưỡi mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật thắng lưỡi.
Trước đây, kéo phẫu thuật và dao mổ là các dụng cụ quen thuộc thường được dùng để cắt thắng lưỡi. Tuy nhiên, phương pháp truyền thống này có một số hạn chế, chẳng hạn như gây chảy máu và để lại vết thương hở. Ngày nay, các phương pháp hiện đại hơn như dao điện, dao plasma và laser đã được phát triển, giúp giảm thiểu tổn thương và mang lại hiệu quả cao hơn trong việc điều trị dính thắng lưỡi.
Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, bác sĩ thường chỉ định cắt thắng lưỡi bằng laser. Vì đây là phương pháp nhanh chóng, hạn chế chảy máu, không cần khâu, lành nhanh, bé có thể bú sữa ngay sau khi kết thúc thủ thuật khoảng 15 – 20 phút.
Bài tập lưỡi
Đây là phương pháp bổ sung. Sau khi cắt thắng lưỡi, bác sĩ có thể hướng dẫn các bài tập lưỡi để giúp tăng cường sự linh hoạt và sức mạnh của lưỡi. Các bài tập này giúp người bệnh dần dần khôi phục khả năng di chuyển của lưỡi, cải thiện khả năng phát âm và ăn uống.
Dính thắng lưỡi có thể gây ra nhiều vấn đề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dù ở trẻ em hay người lớn, việc can thiệp đúng lúc sẽ giúp tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày. Nếu nhận thấy có các dấu hiệu của dính thắng lưỡi, hãy liên hệ với Nha Khoa Bảo Mai hotline 083 585 1212 – 083 985 1212 để được tư vấn chi tiết hơn.
*Mọi thông tin trên bài viết chỉ mang tính chất tham khảo
Tư vấn chuyên môn bài viết
Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Thanh Mai
Phòng khám Nha Khoa Bảo Mai