Nấm lưỡi là một căn bệnh thường gặp ở nhiều đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tác nhân gây bệnh là loại nấm men có tên Candida albicans. Dù không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng tình trạng này lại ảnh hưởng đáng kể đến việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin quan trọng cần biết về bệnh lý này qua bài viết dưới đây.

Tổng quan về bệnh nấm lưỡi
Nấm lưỡi là tình trạng nhiễm nấm xảy ra ở lớp niêm mạc trong khoang miệng, chủ yếu do sự phát triển quá mức của loại nấm Candida albicans – một loại nấm vốn thường tồn tại trong khoang miệng với số lượng nhỏ và vô hại khi hệ miễn dịch hoạt động bình thường. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Dấu hiệu đặc trưng là những mảng trắng như váng sữa xuất hiện trên bề mặt lưỡi, gây đau rát và khiến trẻ gặp khó khăn khi nuốt. Nấm lưỡi không chỉ khiến trẻ biếng ăn mà còn ảnh hưởng đến sức đề kháng, khiến quá trình điều trị kéo dài và có thể cản trở sự phát triển toàn diện của trẻ.
Nguyên nhân dẫn tới nấm lưỡi
Candida albicans là loại nấm men thường tồn tại với số lượng nhỏ trong khoang miệng khi hệ miễn dịch hoạt động bình thường và không gây hại. Tuy nhiên, trong một số điều kiện nhất định, loại nấm này có thể phát triển mạnh và dẫn đến bệnh nấm lưỡi. Những nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Các liệu pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị có thể tiêu diệt cả tế bào khỏe mạnh, làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc nấm lưỡi cũng như các bệnh nhiễm trùng khác.
- Những bệnh lý gây suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như HIV/AIDS hoặc ung thư máu (bạch cầu).
- Mất cân bằng độ pH trong niêm mạc miệng, tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển.
- Vệ sinh răng miệng kém hoặc không đúng cách.
- Bệnh tiểu đường không được kiểm soát làm hệ miễn dịch suy yếu và lượng đường trong máu tăng cao – yếu tố thuận lợi cho Candida albicans phát triển.
Ai có nguy cơ cao mắc bệnh nấm lưỡi?
Nấm lưỡi là một bệnh lý thường gặp và có thể xuất hiện ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu rơi vào những nhóm sau:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 12 tháng tuổi, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị vi khuẩn, nấm tấn công.
- Những người mắc các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch như HIV/AIDS, tiểu đường,…
- Bệnh nhân đang điều trị bằng corticoid lâu dài, dù dạng uống hay dạng xịt, có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng.
- Người sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài, khiến vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho nấm phát triển.
- Bệnh nhân ung thư đang trải qua hóa trị hoặc xạ trị cũng là nhóm dễ bị nấm miệng do hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nấm lưỡi
Có nhiều yếu tố góp phần làm gia tăng khả năng nhiễm nấm lưỡi, bao gồm:
- Vệ sinh khoang miệng cho trẻ không đúng cách, đặc biệt là sau khi bú hoặc ăn.
- Hệ miễn dịch kém, do cơ địa yếu hoặc mắc các bệnh nền.
- Cặn sữa tồn đọng lâu trên lưỡi sau khi bú mà không được làm sạch, dẫn đến hình thành lớp màng trắng – môi trường thuận lợi cho nấm phát triển.
- Sữa mẹ cũng có thể chứa nấm Candida nếu người mẹ bị nhiễm, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho trẻ.
- Sử dụng rượu bia, hút thuốc lá hoặc các chất kích thích thường xuyên có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh trong miệng.
- Bệnh có thể lây truyền trực tiếp qua tiếp xúc thân mật như hôn hoặc quan hệ bằng miệng với người đang bị nhiễm nấm ở miệng, âm đạo, dương vật hoặc vùng hậu môn.
Dấu hiệu nhận biết nấm lưỡi
Ở giai đoạn đầu, nấm lưỡi thường diễn tiến âm thầm và có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu rõ rệt nào. Tuy nhiên, khi tình trạng nhiễm nấm trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể gặp phải nhiều triệu chứng điển hình như:
- Lưỡi xuất hiện các mảng trắng kem loang lổ, trông như cặn sữa.
- Đau rát hoặc nhức nhối khi nuốt, đặc biệt khi ăn các món có độ nóng, cay hoặc cứng. Khi bệnh chuyển biến nặng, bệnh nhân có thể gần như không
- ăn uống được.
- Miệng và lưỡi thường xuyên có cảm giác khô, khó chịu.
- Vị giác bị ảnh hưởng rõ rệt, khiến việc ăn uống mất đi cảm giác ngon miệng.
Đối với trẻ nhỏ mắc nấm lưỡi, các biểu hiện thường dễ nhận thấy hơn:
- Trẻ có dấu hiệu bỏ bú, biếng ăn, quấy khóc liên tục do cảm giác khó chịu trong miệng.
- Lưỡi trẻ có thể bị đỏ, xuất hiện các mảng trắng đốm loang lổ khắp bề mặt lưỡi.
- Nếu trẻ đang bú mẹ, nấm có thể lây truyền ngược lại khiến mẹ bị viêm đầu vú, đỏ, ngứa, nứt nẻ, bong da tại đầu núm vú và đau rát mỗi lần cho con bú.
Cách điều trị nấm lưỡi
Đối với trẻ sơ sinh
Việc điều trị nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh đang bú mẹ cần được thực hiện đồng thời cho cả mẹ và bé nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm. Trẻ sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng nấm loại nhẹ theo hướng dẫn của bác sĩ. Với những trẻ bú bình, các vật dụng như bình sữa, núm ti và các bộ phận của máy hút sữa cần được tháo rời hoàn toàn và vệ sinh kỹ lưỡng bằng hỗn hợp nước và giấm để loại bỏ vi nấm. Trong quá trình chăm sóc tại nhà, cần tiến hành đánh tưa đúng cách để hỗ trợ điều trị:
- Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng an toàn và thoải mái.
- Cha mẹ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi thao tác.
- Quấn một miếng gạc vải mềm, sạch quanh ngón trỏ.
- Lấy một lượng nhỏ thuốc chống nấm theo chỉ định của bác sĩ lên đầu ngón tay đã quấn gạc.
- Nhẹ nhàng lau một đường từ trong ra ngoài trên bề mặt lưỡi của trẻ.
- Nếu thấy lưỡi vẫn còn nhiều mảng bám, có thể lặp lại thêm một lần nữa.
- Thực hiện thao tác nhẹ nhàng, dứt khoát để hạn chế nguy cơ trẻ bị sặc hoặc ngạt.
Đối với trẻ nhỏ
Việc điều trị nấm lưỡi cho trẻ nhỏ cần đặc biệt cẩn trọng, ưu tiên sử dụng các loại thuốc có độ an toàn cao nhưng vẫn đảm bảo khả năng tiêu diệt nấm hiệu quả.
- Dung dịch Nystatin: Là một loại thuốc kháng nấm thường được dùng để rơ lưỡi cho trẻ. Hàng ngày, cha mẹ nên sử dụng để rơ miệng cho bé 4 lần mỗi ngày, duy trì trong ít nhất 7 ngày. Ngay cả khi các mảng trắng trên lưỡi đã biến mất, vẫn nên tiếp tục điều trị thêm khoảng 2 ngày để tránh tái phát.
- Kem Miconazole: Đây là một lựa chọn khác trong điều trị nấm, cũng có tác dụng kháng nấm tốt và phù hợp sử dụng cho trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên.
Đối với người lớn
Việc điều trị nấm lưỡi ở người trưởng thành tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Với trường hợp nhẹ: Dùng thuốc súc miệng hoặc thuốc xịt kháng nấm để kiểm soát tình trạng nhiễm nấm tại chỗ.
- Với trường hợp năng hoặc khi phương pháp điều trị tại chỗ không mang lại hiệu quả: Bác sĩ có thể chỉ định chuyển sang dùng thuốc kháng nấm toàn thân như Nystatin, Miconazole, Fluconazole, và Clotrimazole. Nếu nhiễm nấm ở mức nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc Amphotericin B – một loại thuốc kháng nấm mạnh có tác dụng toàn thân.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt hỗ trợ điều trị nấm lưỡi
Chế độ dinh dưỡng
- Đảm bảo cho trẻ uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày để hỗ trợ quá trình trao đổi chất và tăng cường sức đề kháng.
- Bổ sung đa dạng các nhóm dưỡng chất như:
- Chất đạm: Thịt, trứng, cá, sữa… giúp xây dựng và phục hồi tế bào.
- Chất xơ: Rau xanh, củ quả, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả.
- Vitamin nhóm B: Có trong gan, thịt nạc, trứng, nấm, rau lá xanh… hỗ trợ chức năng thần kinh và quá trình trao đổi chất.
- Vitamin C: Có nhiều trong trái cây tươi (táo, ổi…) và rau củ, giúp tăng cường sức đề kháng và chống oxy hóa.
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ đầy đủ các chỉ định và phác đồ điều trị mà bác sĩ đã hướng dẫn.
- Vệ sinh miệng hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.
- Duy trì môi trường sống tích cực, giúp trẻ giảm căng thẳng và có tinh thần thoải mái..
- Khi phát hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời.
- Khám răng miệng trẻ em định kỳ theo lịch hẹn để bác sĩ theo dõi tiến triển bệnh, đồng thời có thể điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần thiết.
Biện pháp phòng ngừa nấm lưỡi
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày, đánh răng 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm.
- Súc miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý để giữ ẩm và cân bằng niêm mạc miệng, đặc biệt là vùng lưỡi.
- Tránh sử dụng thuốc lá và hạn chế tiêu thụ các chất kích thích như rượu, bia,…
- Không dùng chung bàn chải, khăn mặt hay các vật dụng cá nhân với người khác.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc các bệnh nấm ở miệng, vùng kín hoặc hậu môn để phòng tránh lây nhiễm qua đường tiếp xúc hoặc quan hệ tình dục.
Đối với trẻ nhỏ, cần lưu ý các biện pháp sau để ngăn ngừa bệnh hiệu quả:
- Sau mỗi lần ăn hoặc bú, cần làm sạch miệng, răng và lưỡi cho trẻ.
- Dùng gạc sạch, mềm kết hợp nước muối sinh lý để nhẹ nhàng lau miệng và lưỡi cho bé.
- Cho trẻ uống nước sau khi ăn hoặc bú để giúp làm sạch khoang miệng.
- Vệ sinh kỹ bình sữa, núm ti trước mỗi lần sử dụng.
- Không để trẻ dùng chung bình sữa, núm ti hay vật dụng cá nhân với người khác.
- Sau khi cho trẻ uống thuốc, nên vệ sinh sạch miệng và lưỡi để hạn chế tồn đọng thuốc – yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc nấm miệng.
Vừa rồi là những thông tin quan trọng về nấm lưỡi mà chúng tôi mong muốn gửi tới bạn đọc. Việc chủ động phòng ngừa và giữ vệ sinh khoang miệng đúng cách sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ như mảng trắng trên lưỡi, cảm giác rát hay mất vị giác, hãy thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Liên hệ Nha khoa Bảo Mai qua hotline 083 585 1212 – 083 985 1212 để đặt lịch hẹn thăm khám cùng bác sĩ.
*Mọi thông tin trên bài viết chỉ mang tính chất tham khảo
Tư vấn chuyên môn bài viết
Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Thanh Mai
Phòng khám Nha Khoa Bảo Mai