Trẻ nhỏ thường mút tay như một sở thích hay thói quen. Tuy nhiên, thói quen mút tay ở trẻ lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe răng miệng và sự phát triển của trẻ. Cha mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân, tác hại và cách xử lý đúng đắn để giúp con từ bỏ thói quen này một cách tự nhiên và an toàn. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Nha Khoa Bảo Mai để hiểu rõ hơn nhé.
Tổng quan về mút ngón tay
Mút tay là việc đặt một hay nhiều ngón tay vào trong miệng ở những độ sâu khác nhau (theo tác giả Gellin). Đây là một phản xạ tự nhiên hay một thói quen của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia, ngậm mút ngón tay là sở thích bình thường ở trẻ sơ sinh nhằm thể hiện rằng trẻ đang đói. Đa số trẻ sẽ tự ngừng mút tay khi chuyển sang giai đoạn nhai và cắn thức ăn (1 – 2 tuổi).
Ở giai đoạn đầu đời, mút tay không ảnh hưởng tới răng miệng. Tuy nhiên, nếu trẻ mút tay ngay cả khi không đói và xảy ra khi thôi bú mẹ thì ba mẹ cần đặc biệt lưu ý. Theo thống kê, có khoảng 15% trẻ vẫn tiếp tục mút ngón tay cho đến 4 tuổi. Điều này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng của trẻ.
Nguyên nhân dẫn đến thói quen mút tay ở trẻ
Hầu hết trẻ sơ sinh khi đói đều có thói quen mút ngón tay. Đây là phản xạ tự nhiên ngay từ khi trong bụng mẹ. Bên cạnh đó, thói quen mút tay ở trẻ còn có thể do một số nguyên nhân sau:
- Tìm kiếm sự an ủi: Nhiều trẻ mút tay khi cảm thấy buồn, mệt mỏi hoặc lo lắng, giống như cách tự làm dịu bản thân.
- Mọc răng: Trẻ thường mút tay để giảm ngứa và khó chịu khi răng đang mọc.
- Bắt chước: Trẻ quan sát và bắt chước thói quen mút tay từ bạn bè hoặc các bạn nhỏ khác.
Khi đến tuổi ăn dặm, thường là sau 6 tháng tuổi trẻ sẽ giảm dần việc mút tay và sẽ bỏ thói quen này khi 1-2 tuổi. Tuy nhiên, có khoảng 15% trẻ nhỏ vẫn giữ thói quen mút tay cho tới 4 tuổi.
Thói quen mút tay ở trẻ có ảnh hưởng tới sức khỏe không?
Như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn đầu đời trẻ sẽ giảm dần và bỏ hẳn thói quen mút tay khi 1-2 tuổi và thói quen này không ảnh hưởng tới sức khỏe. Thế nhưng nếu tình trạng này kéo dài ngay cả khi trẻ đã lớn và không tự bỏ được thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ:
Vấn đề về răng miệng
Mức độ ảnh hưởng đến răng khi trẻ mút tay phụ thuộc vào thời gian, tần suất và cường độ của thói quen. Ở trẻ 5-6 tuổi đang trong độ tuổi thay răng, mút tay trên 6 giờ/ngày và lâu ngày có thể gây ra những ảnh hưởng sau tới hàm răng:
- Cung răng bị thu hẹp.
- Răng cửa hàm trên hô, tăng nguy cơ sang chấn răng cửa trên do độ chìa quá lớn.
- Răng cửa hàm dưới cụp vào trong, lùi xương hàm dưới.
- Cắn hở và cắn chéo các răng phía sau.
- Ảnh hưởng tới vị trí và chức năng của lưỡi (sai vị trí đặt lưỡi, phát âm có thể bị rối loạn…)
Nguy cơ nhiễm khuẩn
Bàn tay thường xuyên tiếp xúc với nhiều bề mặt bẩn. Trẻ mút ngón tay chưa rửa sạch làm tăng nguy cơ khiến trẻ lây nhiễm các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh tay chân miệng hoặc nhiễm khuẩn da.
Tổn thương da ở ngón tay
Những trẻ có thói quen mút tay mạnh hoặc nhai cắn có thể gây tổn thương vùng da ở ngón tay như khô nứt, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công làm nhiễm trùng da. Bên cạnh đó, mút tay lâu ngày cũng có thể làm cho xương ngón tay bị biến dạng như to, bẹt.
Cách giúp trẻ từ bỏ thói quen mút tay
Làm sao để loại bỏ thói quen mút tay ở trẻ là mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Cha mẹ cần kiên nhẫn và áp dụng những biện pháp phù hợp để giúp con từ bỏ thói quen này. Cha mẹ có thể tham khảo một số cách dưới đây:
- Ở trẻ sơ sinh, cần cho bé bú sữa đầy đủ để bé không bị đói và sẽ hạn chế được thói quen mút tay khi đói.
- Khi trẻ chuẩn bị có hành vi mút tay, cha mẹ hãy đánh lạc hướng trẻ, lôi cuốn sự chú ý của trẻ vào những trò chơi phù hợp với lứa tuổi, cuộc trò chuyện, đọc truyện… giúp trẻ dễ chịu hơn.
- Tạo cảm giác an tâm, thư giãn cho trẻ để trẻ dừng hành động mút tay do lo lắng, căng thẳng, bất an.
- Nếu những biện pháp tâm lý không hiệu quả thì cha mẹ có thể sử dụng các vật dụng như bọc ngón tay bằng vải, đeo bao tay hoặc băng đàn hồi quấn khuỷu tay…
- Khuyến khích, khen ngợi thay vì trách mắng trẻ. Điều này giúp trẻ cảm thấy được khích lệ và sẽ dần dần loại bỏ được thói quen mút tay.
- Ở độ tuổi đi học, khi trẻ vẫn còn thói quen mút tay thì can thiệp chuyên môn từ bác sĩ là cần thiết. Khi này, tùy thuộc vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định tiền chỉnh nha bằng cách sử dụng khí cụ chuyên dụng như chặn lưỡi, hàm Hawley, hàm Quad Helix… để ngăn trẻ đưa tay vào miệng. Những khí cụ này vừa giúp ngăn chặn thói quen mút tay ở trẻ vừa giúp điều chỉnh những lệch lạc ở hàm răng do mút tay gây ra.
Thói quen mút tay ở trẻ là một phần bình thường trong quá trình lớn lên. Thế nhưng nếu kéo dài nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến răng miệng và sự phát triển của trẻ. Cha mẹ cần kiên nhẫn và áp dụng những biện pháp phù hợp để giúp con từ bỏ thói quen này. Hy vọng bài viết mang đến cho các bậc phụ huynh những thông tin hữu ích. Nếu còn lo lắng về tình trạng mút tay của con mình hoặc cần hỗ trợ tư vấn, hãy liên hệ ngay với Nha Khoa Bảo Mai qua hotline: 0835 85 1212 – 083 985 1212 hoặc inbox fanpage Nha Khoa Bảo Mai để được các chuyên gia tư vấn miễn phí về các dịch vụ răng trẻ em.
*Mọi thông tin trên bài viết chỉ mang tính chất tham khảo
Tư vấn chuyên môn bài viết
Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Thanh Mai
Phòng khám Nha Khoa Bảo Mai